18/12
2023

Trẻ nghe kém nên cấy ốc tai điện tử từ 1 tuổi

Trẻ nghe kém bẩm sinh được khuyến cáo cấy ốc tai điện tử từ 1 tuổi, thay vì 2 tuổi như trước đây, giúp trung tâm thính giác được kích thích sớm, phát triển ngôn ngữ sớm hơn.

Thông tin được TS.BS.CK2 Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, chia sẻ bên lề hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên của bệnh viện, ngày 16/12.

Theo bác sĩ Minh, hiện một số nơi trên thế giới đã mở rộng chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ từ 9-10 tháng tuổi, với khuyến cáo nên mổ càng sớm càng tốt, giúp trẻ có thời gian thích ứng với phát triển thính giác. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều phụ huynh chú ý hơn các dấu hiệu trẻ nghe kém, đi tầm soát phát hiện bệnh sớm, từ đó trẻ được phẫu thuật lúc một tuổi nhiều hơn.

Gần đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM đã phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhi nhỏ nhất là 12 tháng tuổi. Trước khi có chỉ định phẫu thuật, trẻ phải đeo máy trợ thính ba tháng, với mục đích loại trừ điếc giả, điếc tâm lý cũng như giúp có khoảng thời gian kích thích dây thần kinh thính giác.

“Rào cản lớn nhất hiện nay là chi phí một ca cấy ốc tai điện tử khoảng 600-700 triệu đồng ở một bên tai do thiết bị quá đắt tiền, vượt quá khả năng của nhiều gia đình”, bác sĩ Minh nói. Trong khi đó, bệnh có thể liên quan đến nguyên nhân mẹ nhiễm siêu vi, virus trong thai kỳ như rubella, cytomegalovirus…, dễ gặp hơn ở những gia đình có điều kiện kinh tế kém.

Những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 300-400 trường hợp điếc câm mỗi năm nhưng số ca mổ thực hiện chỉ khoảng 50-60 do các gia đình không đủ chi phí trả. Sau 23 năm triển khai kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, nơi này đã phẫu thuật cho hơn 670 ca.

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bản chất của việc hình thành tiếng nói là sự lặp lại những gì trẻ đã được nghe. Nếu trẻ không nghe được, dù thanh quản bình thường, trẻ vẫn không thể nói được. Việc không giao tiếp được, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển sẽ dễ dẫn đến những thay đổi bất thường trong thần kinh tâm lý của trẻ, dễ bị cô lập và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Cấy ốc tai điện tử giúp trẻ có thể nghe được âm thanh, từ đó tập nói, giao tiếp tốt như trẻ bình thường. Đây là phương pháp duy nhất để trẻ điếc nặng có thể nghe được. Phẫu thuật khi trẻ càng lớn tuổi, qua “giai đoạn vàng đầu đời”, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ sẽ kém đi rất nhiều.

Trước đây, khi chưa có cấy ốc tai điện tử, trẻ khiếm thính bẩm sinh thường phải chịu cảnh sống trong câm lặng suốt đời, chỉ có thể vào trường khuyết tật để học giao tiếp bằng tay, bằng đọc hình miệng chứ không còn cách chữa. Trẻ điếc quá sâu thì máy trợ thính hầu như không mang lại tác dụng.

Để đánh giá sức nghe của trẻ, bác sĩ kiểm tra bằng máy đo thính lực hoặc bằng giọng nói. Ở gia đình, không có máy đo thính lực, người thân có thể dùng giọng nói để phát hiện trẻ điếc. Đứng phía sau, cách trẻ nghi ngờ bị điếc một cánh tay chếch về một bên, hướng dẫn trẻ dùng tay đè lên nắp tai bên kia, sau đó nói thầm nhiều từ, nếu trẻ nghe và nhắc lại đúng, kết luận là tai đang thử nghe bình thường.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ quan sát phản ứng của bé xem có chớp mắt, mở mắt, vặn mình, cử động chân tay, giật mình trước những tiếng động hay không. Ở các nước phát triển, tất cả các trẻ sơ sinh đều được tầm soát khiếm thính, để phát hiện sớm dị tật và hỗ trợ điều trị kịp thời trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ.

Nguồn: https://vnexpress.net