28/11
2024

NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh được xem như nỗi lo “sức khỏe” của mọi nhà khi mùa mưa đến, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong nếu không được theo dõi, điều trị phù hợp.

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

      Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 nhóm huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Dấu hiệu nhận biết bệnh Sốt xuất huyết?

Một số dấu hiệu nhận biết bạn mắc Sốt xuất huyết Dengue thường gặp như:

  • Sốt cao đột ngột, liên tục.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

      Nếu không được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng như: Sốc Sốt xuất huyết Dengue, suy hô hấp do tràn dịch phổi và mô kẽ, xuất huyết nặng do rối loạn đông máu, tổn thương gan/ thận cấp tính, suy đa cơ quan và tử vong. Hiện nay, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Điều trị và theo dõi Sốt xuất huyết Dengue như thế nào?

      Phần lớn các trường hợp bệnh được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi tại y tế cơ sở mỗi ngày. Hiện tại, điều trị Sốt xuất huyết Dengue chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

      Nếu sốt cao người bệnh cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều dùng từ 10 – 15mg/kg, cách nhau mỗi 4 -6 giờ. Bên cạnh đó, người bệnh cần nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây sốt xuất huyết, toan máu.

Đến ngay các cơ sở y tế khi xuất hiện các biểu hiện bệnh sau:

  1. Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
  2. Không ăn, uống được.
  3. Nôn ói nhiều.
  4. Đau bụng nhiều.
  5. Tay chân lạnh, ẩm.
  6. Mệt lả, bứt rứt.
  7. Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
  8. Không tiểu trên 6 giờ.
  9. Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết

  1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
  2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…
  3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
  4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn: Cục y tế dự phòng, Bộ y tế.