02/03
2020

Ngày thính giác thế giới (World Hearing Day)

Ngày Thế giới về Thính giác được tổ chức vào ngày 03/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về việc phòng bệnh điếc và giảm thính lực đồng thời nâng cao việc chăm sóc tai và thính giác khắp thế giới. Mỗi năm, Tổ chức Sức khỏe Thế giới quyết định chủ đề và phát triển một tài liệu về chủ đề trên.

Năm 2020, với chủ đề “Đừng để nghe kém cản trở bạn”, Ngày Thế giới về thính giác thu hút sự quan tâm sớm về tình trạng gia tăng số người bị điếc khắp thế giới vào thập kỷ sắp đến. Ngày Thế giới về thính giác tập trung vào chiến lược phòng ngừa sự gia tăng người mất thính giác và các bước xây dựng dịch vụ phục hồi chức năng cũng như các công cụ truyền thông và sản phẩm dành cho người mất thính lực.

Ngày thính lực thế giới năm 2020 với chủ đề: “don’t let hearing loss limit you”

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu có khoảng 466 triệu người  (5% dân số) bị nghe kém, trong đó 34 triệu là trẻ em. Ước tính đến 2050 sẽ có khoảng 900 triệu người nghe kém. Đa số ở các nước thu nhập trung bình và kém.

Nguyên nhân gây ra nghe kém có thể do di truyền, biến chứng lúc sanh, các bệnh nhiễm trùng bất kỳ, viêm tai mạn tính, do sử dụng thuốc, tiếp xúc tiếng ồn, và do tuổi tác. 60% nghe kém lúc nhỏ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được. 1,1 tỉ người trẻ 12-35 tuổi có nguy cơ nghe kém do tiếp xúc tiếng ồn từ các hiệt bị tiêu khiển.

Đối với trẻ em, nghe kém có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho trẻ, trước hết là đối với việc học nói, tiếp đến ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ, khả năng học tập, cơ hội nghề nghiệp và tính nết của trẻ. Nghe tốt rất qua trọng trong việc học nói. Nghe tốt và nói tốt rất quan trọng trong giao tiếp. Giao tiếp tốt rất quan trọng đối với việc học ở nhà và ở trường. Học tốt giúp cho trẻ phát triển năng lực một cách toàn diện.

Nghe kém càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng. Các hậu quả sẽ được giảm nhẹ rất nhiều nếu nghe kém được phát hiện sớm và kịp thời thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng cần thiết. Hiệu quả của việc phục hồi chức năng cần thiết. Hiệu quả của việc phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện sớm. Vì những tầm quan trọng trên trẻ em từ khi mới sinh đến khi thành trẻ lớn phải thường xuyên được kiểm tra thính lực.

Đo thính lực cho trẻ em tại bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

Nghe kém gây tiêu tốn chi phí toàn cầu hàng năm đến 750 tỉ USD. Chi phí cho các hoạt động nhằm ngăn chặn, phát hiện chẩn đoán và định vị nghe kém rất có hiệu quả và đem lại lợi ích lớn cho người nghe kém: chẩn đoán sớm, sử dụng máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử và các thiết bị trợ thính khác, ngôn ngữ ký hiệu, cùng các dạng hỗ trợ khác về giáo dục và xã hội.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, tháng 01/1990, được sự hỗ trợ của Ủy ban II Hà Lan, Khoa Thính học được thành lập, đánh dấu sự ra đời của khoa Thính học đầu tiên trong cả nước Việt Nam.

Khi mới thành lập, khoa chỉ có một phòng đo thính lực và máy đo, sử dụng cho đo thính lực người lớn và đo thính lực trẻ em. Từ đó đến nay, Khoa thính học đã trở thành Trung tâm thính học lớn nhất trong cả nước với 4 phòng đo thính lực người lớn, 1 phòng đo trẻ em, 1 phòng ABR đôi, 1 phòng khám tiền đình, dịch vụ cung cấp máy trợ thính và cấy ốc tai điện tử với quy trình khép kín. Song song những máy đo thính lực, nhĩ lượng cơ bản, khoa còn có những thiết bị hiện đại hơn như là máy đo ABR, ASSR….

Khoa Thính học tại bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

Năm 1998 lần đầu tiên cấy ốc tai tại Việt Nam được thực hiện tại bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Đến nay là Bệnh viện phẫu thuật cấy ốc tai lớn nhất trong nước. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được gần 500 trường hợp cấy ốc tai đa kênh.

TS.BS Lê Trần Quang Minh – Phó giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM là một trong những người đầu tiên đưa cấy điện ốc tai về Việt Nam

Ngoài ra Khoa còn phụ trách khám giám định y khoa, khám giám định pháp y do các nơi gởi đến. Khoa Thính học còn là một trong những cơ sở đào tạo về thính học ở các trình độ chuyên môn khác nhau, từ đó góp phần cho chuyên ngành thính học ngày các phát triển ở  Việt Nam.

ThS.BS Đỗ Hồng Giang – Khoa Thính học