06/09
2019

Mới đầu năm học, đã có trường hợp bé nhập viện vì nhét pin điện tử vào tai

Sáng ngày 5/9/2019, bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thông báo đã giải cứu thành công cho một trường hợp dị vật tai cực kỳ nguy hiểm: pin điện tử.

Trước đó, ngày 30/8, Bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp bé trai 5 tuổi ở Tỉnh Bình Thuận tự nhét pin điện tử vào lỗ tai phải của mình. Qua quá trình thăm khám và hỏi bệnh, ba của bé cho biết: “trong lúc đang chơi tại trường mầm non, bé bất ngờ tháo 2 viên pin điện tử trong đồ chơi nhét vào tai phải. Khi phát hiện vụ việc, các cô giáo lấy được 1 viên ra khỏi tai, viên còn lại nằm quá sâu không lấy được nên đã chuyển bé đến bệnh viện địa phương nhưng lấy cũng không được. Sau đó bé được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM”.

Được biết, 2 cục pin mà bé nhét vào tai được bé lấy từ đồ chơi bên trong quả trứng được gia đình mua trước cổng trường cho bé chơi. Khi hết pin, đèn không hoạt động khiến bé tháo ra nghịch và nhét vào tai.

Pin điện tử sau khi lấy ra khỏi tai của bệnh nhiPin điện tử sau khi lấy ra khỏi tai của bệnh nhi

TS-BS Nguyễn Thị Thanh Thúy – Trưởng khoa Nhi – Tổng hợp cho biết: các bác sĩ đã lấy dụng cụ chuyên dụng để gắp dị vật ra ngoài, dị vật là một viên pin điện tử. Tuy nhiên xung quanh ống tai, màng nhĩ, hòm nhĩ có nhiều mô bị hoại tử. Các bác sĩ phải tiến hành bơm rửa mô hoại tử và chăm sóc tai mỗi ngày.

Chia sẻ thêm về trường hợp này, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và xử trí rất nhiều trường hợp dị vật ở tai mũi họng, trong đó có 38 trường hợp dị vật là pin điện tử.

Pin điện tử có chứa hoá chất gây bỏng lạnh rất nguy hiểm, gây tổn thương niêm mạc, nếu để lâu, sẽ ăn sâu vào da, xương,… Mức độ nghiêm trọng: nếu ở tai thì gây thủng màng nhĩ, hủy xương con, giảm thính lực; ở mũi gây thủng vách ngăn hoặc huỷ cuốn mũi; còn ở thực quản gây thủng thực quản, sẹo hẹp…

Sau 5 ngày điều trị tai của bé đã khô, hết dịch. Tuy nhiên, TS.BS Lê Trần Quang Minh – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “đây chỉ mới là giai đoạn đầu, bởi vẫn còn nhiều việc phải làm, vì tai phải của bé đã bị điếc dẫn truyền mức độ trung bình do bị thủng màng nhĩ hoàn toàn. Phải theo dõi bé ít nhất từ 3 đến 6 tháng để các tổn thương da và các cấu trúc xung quanh hồi phục. Sau khi các tổn thương này phục hồi hoàn toàn, Bệnh viện  mới tiến hành vá màng nhĩ thì thính lực của bé mới trở lại bình thường”.

Nội soi kiểm tra tai trước khi cho bệnh nhân xuất viện

Qua trường hợp trên, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy – Giám đốc Bệnh viện khuyến cáo “Phụ huynh không nên cho trẻ chơi những đồ chơi kích thước nhỏ, có thể tháo rời, tuyệt đối không mua đồ chơi sử dụng pin điện tử. Các bậc cha mẹ cần dặn dò bé khi lỡ nhét dị vật vào tai, mũi, họng cần báo ngay cô giáo hoặc kể cho cha mẹ biết để kịp thời xử lý. Nếu để lâu, sau 24 tiếng đồng hồ sẽ để lại những di chứng đáng tiếc”.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy – Giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM đưa ra những khuyến cáo cho trường hợp này

Qua sự việc đáng tiếc trên, bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cũng đã tổ chức họp báo để các báo, đài có thể truyền thông rộng rãi trường hợp lâm sàng.

Phòng Quản lý chất lượng