Vừa qua, một bệnh nhân được bạn đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở độ IIa, co kéo cơ hô hấp phụ, hốt hoảng, lo sợ, thở rít liên tục.
Được biết trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý hô hấp, tim mạch nào. Vậy nguyên nhân do đâu bệnh nhân lại trở nên như vậy?
Câu trả lời lại nằm ở chính một món ăn vặt rất đỗi quen thuộc tại Sài Gòn: Ốc.
Ốc hút – Ốc len xào dừa
Trước khi nhập viện 30 phút, nhóm bạn của bệnh nhân đang ăn ốc với nhau. Đột nhiên, bệnh nhân ho sặc dữ dội, sau đó liên tục khó thở. Sau khi vào viện, được các Bác sĩ kiểm tra thì phát hiện có “mài ốc” kẹt ngay giữa thanh môn, làm hẹp đến 75% đường thở của bệnh nhân.
Mài ốc kẹt ngay thanh môn, che lấp 75% đường thở của bệnh nhân
Đánh giá đây là một dị vật tương đối khó lấy bằng gây tê tại phòng cấp cứu vì nếu bệnh nhân không hợp tác, dị vật sẽ rớt sâu xuống khí quản gây khó khăn hơn cho việc xử trí, các bác sĩ đã quyết định chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để lấy dị vật qua gây mê. Dị vật sau khi lấy ra là mài ốc #1x2cm, sau khi được lấy ra, bệnh nhân hồi phục nhanh, hết khó thở, không có biến chứng gì và được về ngay trong ngày.
Dị vật sau khi lấy là mài ốc #1×2 cm
Qua trường hợp trên, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM có khuyến cáo: Dị vật đường thở là một cấp cứu thường gặp của chuyên khoa Tai Mũi Họng, một số trường hợp có thể đe doạ tính mạng. Cấp cứu này thường gặp ở trẻ em do trẻ thường đùa giỡn khi ăn. Do đó cần kiểm tra kỹ thức ăn trước khi cho vào miệng và không đùa giỡn khi đang ăn/ uống vì có thể sặc dị vật vào đường thở. Khi đang ăn uống, nếu bị ho sặc dữ dội và khó thở nên đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc các bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được kiểm tra, tránh biến chứng.
Phòng Quản lý chất lượng