01/09
2021

Hãy sống trọn từng giây!

Bíp bíp… Bíp… Bíp bíp bíp bíp…

“Giường số 2! Bệnh nhân trở nặng!”

“Bíp bíp bíp… bíp bíp…”

“SpO2 giảm, nhịp tim rời rạc bệnh nhân ngưng thở … Ấn tim … Adrenalin”

“Khẩn trương lên, thêm Adrenalin, nhanh lên, bệnh nhân đang nguy kịch”

Tôi giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Thì ra chỉ là mơ thôi, tôi đang ở đây, ngay chính căn phòng của mình. Không gian vắng lặng như tờ, ánh đèn đường hắt vào cửa sổ phòng một màu nhàn nhạt. Đã về khu tự cách ly được hai ngày rồi, nhưng tâm trí tôi vẫn như còn đọng lại ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Tai Mũi Họng.

Hai tuần làm việc với nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 như vắt kiệt sức tôi. 14 ngày – không ngắn cũng chẳng dài nhưng đã kịp lưu lại trong ký ức tôi những ấn tượng sâu sắc. Làm việc trong bộ đồ phòng hộ, cả người ướt sũng mồ hôi, mấy ngày đầu chưa quen, tôi như muốn ngất.

Có nhiều hôm quá mệt mỏi, nhiều đồng nghiệp của tôi nằm gục ở bất cứ nơi nào có thể, gần như kiệt sức, có đứa bật khóc và bảo “Giờ mà được về là em về luôn” rồi lại khóc dấm dứt. Ấy thế mà, sáng mai thức dậy, đứa ủy mị nhất, tinh thần lại phấn chấn nhất, gọi mọi người dậy, cùng nhau chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để tiếp tục cho một ngày làm việc mới. Mệt mỏi và căng thẳng, nhiều lần tôi cũng muốn từ bỏ, nhưng nhìn những bệnh nhân mình chăm sóc tình trạng cải thiện hơn mỗi ngày, nhìn nụ cười hạnh phúc của họ khi trò chuyện với gia đình qua màn hình điện thoại nhỏ xíu, tôi nghĩ mình phải ráng thêm chút nữa. Khi đã chọn nghề này,công việc này,tôi luôn tâm niệm “bệnh nhân là người thân”, vì vậy tôi nỗ lực làm hết sức mình mong cho họ sớm bình phục.

Ở mỗi ca trực, chúng tôi đều khuyến khích, động viên bệnh nhân để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ. Vỗ lưng để kích thích tống đàm ra khỏi cổ họng, trò chuyện, thăm hỏi, hướng dẫn cách thở,… gần như là những công việc hằng ngày. Đối với những bệnh nhân trở nặng phải thở oxy và theo dõi HA, SpO2 thì việc chăm sóc cần toàn diện hơn, từ đút ăn đến gội đầu, lau mình hay tiêu tiểu.

Nhân viên y tế ở bệnh viện điều trị Covid19 TMH vỗ lưng hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân

Nhân viên y tế ở bệnh viện điều trị Covid-19 Tai Mũi Họng gội đầu cho bệnh nhân

Những ngày đầu, công việc khó khăn hơn khi nhiều người chưa hiểu và chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Tôi phải thường xuyên giải thích cũng như động viên tinh thần các bệnh nhân để mọi người an tâm hơn.

Thường xuyên động viên tinh thần bệnh nhân để có thể an tâm điều trị

Tôi đã từng xa nhà nhưng chưa lần nào đi lâu như vậy, nhiều lúc nhớ nhà,nhớ con lắm nhưng ở nơi đây tôi có những người bạn, những “chiến hữu” chung “chiến hào”. Nơi đây vừa là tuyến đầu căng thẳng chống dịch, vừa như một đại gia đình đoàn kết, sẻ chia với nhau qua từng bữa ăn vội giữa ca, hay những đêm chia giấc. Ở trong bệnh viện, đối mặt với những nguy hiểm lây nhiễm, chứng kiến cảnh người bệnh không vượt qua được, nhiều lúc tinh thần  chúng tôi nao núng, thậm chí khủng hoảng.

Tuy nhiên, sự kịp thời trợ giúp của Ban Giám đốc và đội ngũ hậu cần đã giúp nhóm có thêm động lực. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, động viên của các Sở, Ban ngành thành phố, các đoàn thể, những sự giúp đỡ kịp thời của quý mạnh thường quân từ bữa ăn, chai nước đến viên thuốc, khẩu trang N95 cũng như đồ bảo hộ. Đây chính là một nguồn lực hỗ trợ trong điều trị, và là liều thuốc bổ trợ tinh thần, giúp đội ngũ chúng tôi bình tĩnh, tự tin trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tôi còn cảm nhận được tinh thần xung kích và hỗ trợ của mình được lan truyền đi rất nhanh, một lời cảm ơn, một nụ cười đáp trả của bệnh nhân thật sự rất xúc động. Cái cảm xúc đó dâng lên trong lòng khó tả đến nghẹn ngào.

Một nụ cười đáp trả của bệnh nhân là liều thuốc tinh thần cho nhân viên y tế chúng tôi

Có làm việc trực tiếp nơi tuyến đầu chống dịch mới thấm hết bao nỗi vất vả, cực nhọc của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên phục vụ, tình nguyện viên. Và đặc biệt càng thấm hơn giá trị của tình người, tình đồng hương, nghĩa đồng bào của mỗi người dân Việt Nam.

Đồng đội nơi tuyến đầu chống dịch

Trong những lần gọi điện về cho gia đình, tôi lúc nào cũng dặn dò kỹ lưỡng việc phòng chống bệnh dịch như thế nào, thực hiện ra sao. Vì tôi hiểu, căn bệnh này không thể khinh thường. Tôi chứng kiến gần như từng giờ những cơn khó thở của bệnh nhân, tôi thấy những giọt nước mắt của họ vì đau đớn, vì nhớ gia đình. Tôi cũng biết ngoài kia còn rất nhiều gia đình phải chịu cảnh tang thương do con vi rút quái ác này gây ra. Nó ám ảnh tâm trí tôi trong nhiều ngày liền, kể cả khi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà. Chiến đấu với thần chết, với bệnh tật chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Chiến đấu với thần chết, với bệnh tật chưa bao giờ là điều dễ dàng

Mong mọi người có thể tự bảo vệ bản thân thật tốt, bảo vệ gia đình mình thật tốt, đừng chủ quan với dịch bệnh. Khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết  chúng ta mới hiểu ra rằng, được sống quý giá như thế nào!

CNDD: N.T.Thu Hương – Bệnh viện điều trị Covid-19 Tai Mũi Họng