20/04
2020

Cẩn thận khi gần gũi với thú cưng

Nuôi thú cưng, cụ thể như chó, mèo là việc phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nuôi, tiếp xúc với chó mèo có thể giúp chúng ta tăng 300% lượng hormone oxytocin trong cơ thể, hormone này có rất nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe như góp phần giúp giảm stress, ổn định huyết áp, làm cho tinh thẩn thoải mái, giúp giấc ngủ ngon hơn và sâu hơn.

Nuôi thú cưng là việc phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới

Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý về một số đặc điểm không tốt ở thú cưng, cụ thể trong trường hợp này là các loại sinh vật ký sinh trên chúng như: sán dây, giun đũa, ve, chí,…

Đường lây của sán chó (Toxocara canis)

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện khi bệnh nhân nữ (24 tuổi) có triệu chứng ngứa tai liên tục khoảng 1 tuần. Sau khi được kiểm tra qua nội soi tai đã phát hiện bên trong tai của người bệnh có dị vật là 1 con ve chó (như hình). Sau đó, các Bác sĩ đã lấy ra được dị vật, người bệnh hết cảm giác ngứa tai, màng nhĩ nguyên vẹn và được cho xuất viện.

Ve chó bám chặt lên màng nhĩ của bệnh nhân

BS.CKI Chu Phạm Liên – người thực hiện lấy dị vật cho người bệnh cho biết “Ve chó khi chui vào tai sẽ bám chặt vào da ống tai hoặc thường gặp nhất là màng nhĩ để hút máu, nếu xử lý không đúng (dùng kềm, móc) có thể làm thủng màng nhĩ. Với trường hợp này chỉ có thể xịt thuốc tê và để ve chó/mèo không bám chặt vào màng nhĩ nữa, sau đó hút ra.”

Được biết, người bệnh này có thói quen thường xuyên ôm và vuốt ve chó khi ngủ. Chính điều này đã khiến ve chó ký sinh từ thú cưng có cơ hội để chui vào tai và gây ra triệu chứng khó chịu trên, rất may đã được can thiệp kịp thời.

Không nên quá gần gũi với thú cưng

Nói thêm về trường hợp này, TS.BSCKII Nguyễn Thanh Vinh – Phó Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết: “Ngoài ve chó, bệnh viện Tai Mũi Họng cũng gặp nhiều trường hợp khác bị côn trùng chui vào tai như kiến, gián đất, … Những triệu chứng gợi ý có côn trùng chui vào tai là: đau tai, ngứa tai. Khi bị côn trùng chui vào tai, người bệnh không nên tự ý chọt ngoáy, cố gắng tự lấy tại nhà mà nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ lấy ra. Trước đó người bệnh có thể nhỏ nước ấm và oxy già vào tai để có thể giết chết côn trùng.”

Do đó, mọi người nên lưu ý, dù có yêu thương thú cưng đến như thế nào cũng nên hạn chế quá gần gũi với chúng, không nằm ngủ dưới đất, nhất là trong lúc ngủ. Ngoài ra thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cho thú cưng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ cũng là cách để bảo vệ sức khỏe của chúng ta.

Khoa Tai – Tai thần kinh