18/05
2018

Cảm nhận hành trình về Côn Đảo

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ đến công lao to lớn của các chiến sĩ cách mạng đồng bào yêu nước đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo. Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Bác (19/51980-19/5/2018) Đảng bộ Bệnh viện Tai Mũi Họng tổ chức Đoàn về nguồn tại Huyện Côn đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 4/5/2018 đến ngày 6/5/2018. Đến với “Côn Đảo huyền thoại”, nơi được mệnh danh là vùng đất linh thiêng, là bàn thờ của Tổ quốc. Chúng tội đã thật sự xúc động và đã có lúc bật khóc khi được chứng kiến những di tích “địa ngục trần gian”: Trại tù Phú Hải, trại Phú Tường, trại giam Phú Bình, khu chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò… Hình ảnh những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá ngột ngạt, chuồng cọp, hầm xay lúa… với những đòn tra tấn dã man như: Rắc vôi bột, tạt nước để thân thể người tù lở loét hay như ngâm thân thể dưới hầm phân bò…và những câuchuyện mà cô thuyết minh viên đã kể cho chúng tôi nghe đều phải rùng mình, phẫn nộ. Với những tên tuổi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam như: Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh, cô Võ Thị Sáu,… cùng biết bao chiến sĩ cách mạng đã hy sinh thầm lặng cho dận tộc Việt nam. Cầu tàu 914, nơi chứng kiến những cuộc vượt ngục đầu tiên của những người chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo. Đã có rất nhiều người đến đây rồi không bao giờ trở về. Con số 914 được đặt tên cho cầu tàu này là do những người tù còn sống nhẩm tính từng đó người tù đã ngã xuống trong quá trình xây dựng cầu tàu này nhưng thực tế con số người ngã xuống lớn hơn nhiều.

Đến gần 24 giờ đêm, đoàn viếng Nghĩa trang Hàng Dương tri ân đối với hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, những người tù yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi nấm mộ như một chứng tích về thời kỳ hào hùng và bất khuất với những đòn tra tấn nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ nhưng chiến sĩ cách mạng vẫn nuôi dưỡng ý chí, niềm tin và biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện ý chí đương đầu với kẻ thù. Bản nhạc “Nhớ ơn Chị Võ Thị Sáu” làm xao xuyến thổn thức đến tận cùng trong không gian giá lạnh về đêm. Khi đứng trước mộ Cô nhìn bức di ảnh được tạc bằng đá trắng, với hình ảnh lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc đang tung bay, sự trắng trong, khí phách dũng cảm của người con gái miền Đất đỏ hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Hình ảnh Cô Sáu khi mới 16 tuổi đã làm bao kẻ thù run sợ và hy sinh anh dũng khi tuổi đời  tròn 19 tuổi đã làm nhiều thành viên trong Đoàn phải bùi ngùi xúc động.

 Trên đường  ra sân bay về lại đất liền Đoàn đến viếng Miếu Cậu, nơi thờ Hoàng tử Cải, con trai của Vua Nguyễn Ánh và bà Hoàng Phi Yến. Tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt hàng vạn anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Chúng tôi xin hứa sẽ quyết tâm ra sức rèn luyện, phấn đấu học tập, đem hết tài năng trí tuệ cống hiến trong  sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất, xứng đáng với niềm tin, lý tưởng và sự hy sinh của các thế hệ chiến sĩ cách mạng, người tù yêu nước tại Côn Đảo.

Đoàn chụp hình lưu niệm khu Cầu tàu 914

Đoàn chụp hình lưu niệm trại Phú Bình

Đoàn tham quan khu biệt giam chuồng cọp

Đoàn chụp hình lưu niệm trại Phú Tường

Đoàn chụp hình lưu niệm Bảo tàng Côn Đảo