31/08
2021

Đồng nghiệp tôi – những người sống vì mọi người

“Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…”

Có lẽ sẽ quá thừa khi viết về những “chiến sĩ ngành y” ngoài kia, những con người đã góp phần làm nên vành đai bảo vệ đất nước trong cơn dịch bệnh, nhưng sẽ thiếu sót nếu không viết về những đồng nghiệp của tôi, nơi đây – những người sống vì mọi người…

Tôi được nghe về những tấm gương về nghị lực phi thường trong cuộc sống, đó đôi khi là hiện thực, đôi khi chỉ là những sản phẩm ước lệ nhằm noi cho con người ta tấm gương để phấn đấu và vươn lên. Nhưng ở đây, dường như khoảng cách giữa hiện thực và mộng tưởng ấy không còn, đối với tôi, riêng cá nhân tôi, những con người mà tôi được sống và làm việc cùng nơi đây, mỗi người trong họ, đã trở thành những “tráng sĩ” mạnh mẽ nhất trong lòng tôi rồi. Bởi suy cho cùng, khi chúng ta vượt qua được giới hạn của mình, ấy là chúng ta đã ghi nên một chiến tích vào trang sử cuộc đời của bản thân, phải không các bạn?

Tôi thấy hơn 30 con người gồng mình trong một chung cư cũ, trong 8 giờ đồng hồ, cơ bản xây dựng nên nền tảng của một bệnh viện dã chiến với khả năng chăm sóc tới 3000 bệnh nhân.

Bệnh viện dã chiến số 10 hoạt động trên nền tảng một chung cư cũ

Tôi thấy những con người mang trên mình sứ mệnh, vượt hàng ngàn km từ Bắc vào Nam, quyết tâm cùng miền Nam ruột thịt gồng mình chống dịch.

Những đồng đội ở Bắc Giang, Tuyên Quang cùng hòa chung màu áo chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 10

Tôi thấy những người cha xa con, những người mẹ đã 3 tháng trời không được ôm con vào lòng, những người chồng, người vợ tình nguyện xa gia đình, xa mái ấm đi tới nơi “đầu sóng ngọn gió”, đối mặt với tử thần, giành lại từng hơi thở cho người bệnh.

Những cán bộ chống dịch phải xa gia đình để đến nơi đầu sóng ngọn gió giành lại hơi thở cho người bệnh

Tôi thấy những phóng viên bất chấp hiểm nguy đưa tới người dân những hình ảnh trong mùa dịch bệnh, tôi thấy những ma-soeur chăm bón từ muỗng cháo muỗng cơm, đổ từng bô phân, máng tiểu, những em dân quân bất chấp cái nóng giữa trưa giao từng phần ăn, từng cái thau, ấm nước đến cho người bệnh.

Những tình nguyện viên đến tận giường bón từng muỗng cháo cho người bệnh

Tôi thấy những giọt nước mắt nhớ nhà, tôi thấy từng vết loét, vết sẹo vì côn trùng cắn đốt trương lên, phồng rộp và ngứa ngáy bên trong bộ đồ PPE, tôi thấy những đêm không ngủ thức trông bệnh nặng, ngày làm 18 tiếng không ngơi.

Có những đêm thức trắng trông bệnh nặng

Tôi thấy những nữ đồng nghiệp cao 1m5 lăn từng bình oxy cao 2m ,nặng hàng trăm kg. Tôi thấy nhiệt huyết tuổi trẻ của các em điều dưỡng bị dập vùi bởi bệnh tật rồi lại bùng lên mạnh mẽ,cháy bừng. Tôi thấy những người chị bế em nơi tử thần rình rập…

Chúng ta có thể có nhiều thứ rất đáng tự hào trong cuộc đời này, về vật chất hay tài năng, nhưng đối với tôi, tôi hãnh diện và tự hào khi được sống, chiến đấu và làm việc bên những con người ấy :

Hãnh diện và tự hào khi được sống, chiến đấu và làm việc bên những con người ấy

Nguyễn Hữu Lộc – Bệnh viện dã chiến số 10 – Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM

Tái bút: tặng các đồng đội Bắc Giang và Tuyên Quang

“Từ chốn địa đầu Tổ quốc đến nơi đây

Cùng Sài Gòn đẩy lui cơn dịch bệnh

Mãi khắc ghi tinh thần màu áo trắng

Đấy là Việt Nam-đất nước những anh hùng…”